Ngày D (6 tháng 6 năm 1944) Chiến_dịch_đổ_bộ_của_lính_dù_Mỹ_ở_Normandie

Đổ bộ

Khu vực thả quân của lính dù tại Bán đảo Cotentin trong Ngày D, 6 tháng 6 năm 1944

Chiến dịch vận chuyển lính dù được chia thành hai nhiệm vụ riêng biệt, "Albany" và "Boston", mỗi nhiệm vụ có ba đợt thả quân cấp trung đoàn. Bãi thả quân của Sư đoàn 101 nằm ở phía đông bắc Carentan và có định danh bằng chữ cái A, C và D, theo thứ tự từ bắc xuống nam. Sư đoàn 82 được thả ở phía tây (DZ T và O, từ phía tây sang đông) và tây nam (DZ N) Sainte-Mère-Eglise.

Mỗi trung đoàn bộ binh nhảy dù (PIR), với quân số khoảng 1.800 người chia thành ba tiểu đoàn, được chuyên chở bằng ba đến bốn nhóm máy bay, đội hình bay gồm 36, 45 và 54 chiếc C-47, và sẽ tách ra dựa vào thời gian trong kế hoạch. Các máy bay, đựoc ký hiệu bằng các số thứ tự (để lính dù lên đúng máy bay được chỉ định), được tổ chức thành các phi tuần (flight) gồm chín máy bay theo đội hình "chữ V nhỏ trong chữ V lớn". Mỗi đội sẽ lần lượt tiến vào bãi thả quân cách nhau sáu phút. Lính dù được chia ra thành các chalk, mỗi chalk bao gồm 15-18 lính dù và mỗi máy bay sẽ chở một chalk.

Để đạt được yếu tố bất ngờ, các máy bay sẽ tiếp cận Normandie từ phía tây ở độ cao thấp. Máy bay bắt đầu cất cánh lúc 22:30 ngày 5 tháng 6, tập hợp thành đội hình bay và bay về điểm khởi hành có định danh "Flashbush". Tại đó, các máy bay sẽ hạ độ cao và bay về phía tây nam qua Eo biển Manche ở độ cao 150 m để tránh bị radar Đức phát hiện. Mỗi đội hình bay cách nhau khoảng 300 m. Thời tiết không ảnh hưởng nhiều tới thời gian và duy trì đội hình máy bay Mỹ.

Sau khi vượt 92 km qua eo biển trong thời gian 42 phút, các nhóm bắt đầu chuyển hướng bay về điểm xuất khởi hành thứ hai, có định danh "Hoboken", và rẽ trái về phía đông nam và bay giữa Quần đảo Channel của GuernseyAlderney. Thời tiết qua kênh rõ ràng; tất cả các đội hình đều bay theo các tuyến đường vạch sẵn một cách chính xác và theo đội hình chặt chẽ khi chúng tiếp cận các điểm ban đầu trên bờ biển Cotentin, sau đó tách ra và tiến vào khu vực thả tương ứng. Điểm tập kết của Sư đoàn 101 nằm tại Portbail, có định danh là "Muleshoe", cách điểm tập kết của Sư đoàn 82, "Peoria", gần Flamanville, khoảng 10 dặm (16 km) về phía nam.

Thả quân phân tán

Mặc dù đã trải qua nhiều đợt huấn luyện trước đó, nhiều yếu tố tại khu vực Bán đảo Cotentin đã ảnh hưởng tới việc thả quân phân tán của các đội bay Mỹ, bao gồm:

  • Nhiều máy bay C-47 chuyên chở quá tải trọng,
  • 60% máy bay không có sự định hướng hiệu quả, các phi công buộc phải tự điều hướng khi họ tách đội hình,
  • Duy trì im lặng điện đài khiến các thông tin dự báo thời tiết không được cập nhật tới các phi hành đoàn,
  • Một dải mây dày ở độ cao 1.500 foot (460 m), che khuất toàn bộ nửa phía tây của bán đảo (rộng khoảng 35 km) và có mây mỏng ở khu vực phía đông,
  • Có sương mù tại vài bãi thả quân,
  • Hỏa lực phòng không của quân Đức,
  • Các máy bay bị hạn chế sử dụng hệ thống Rebecca/Eureka
  • Nhiều máy bay kích hoạt hệ thống Rebecca/Eureka khẩn cấp khiến hệ thống bị nghẽn
  • Các bãi đáp không được đánh dấu chính xác hoàn toàn
  • Các đợt thả quân của máy bay C-47 được tiến hành ở độ cao trên hoặc dưới độ cao chỉ định là 700 foot (210 m), và vượt quá tốc độ thả là 110 dặm Anh trên giờ (180 km/h).

Hỏa lực phòng không của Đức khiến các máy bay phải thay đội độ cao để tránh bị bắn trúng. Một số lính dù bị thương do phải nhảy ra ở độ cao quá thấp, khiến dù của họ không thể giảm tốc kịp. Nhiều người được thả ở độ cao cao hơn phải trả qua những giây rơi tự do kinh hoàng trước khi dù được bung ra.

Trong tổng số 20 nhóm bay của hai nhiệm vụ Albany và Boston, chín nhóm bị thả phân tán nặng do đi vào khu vực mây mù. Chỉ có sáu nhóm thả chính xác và tập trung. Tuy nhiên, yếu tố ảnh hưởng tới sự phân tán nặng trên là do chiến dịch được thực hiện vào ban đêm, khiến cho các yếu tố ảnh hưởng trên càng thêm nghiêm trọng. Do vậy, ba chiến dịch nhảy dù tiếp theo đều đã không được tiến hành vào ban đêm.[11]

Đợt thứ nhất: Nhiệm vụ Albany

Bài chi tiết: Nhiệm vụ Albany
Sơ đồ vị trí thả quân của Sư đoàn Không vận 101 trong Ngày D, 6 tháng 6 năm 1944

Sư đoàn Không vận 101 là đơn vị đầu tiên nhảy dù trong ngày 6 tháng 6, từ 00:48 tới 01:40. 6.928 lính dù được chuyên chở trên 432 máy bay C-47 được chia thành 10 đội bay lớn. Đội đầu tiên, tiến vào DZ A, không gặp ảnh hưởng bởi thời tiết, nhưng sai lầm trong việc định hướng và sử dụgn thiết bị Eureka thiếu hiệu quả đã khiến Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Bộ binh Nhảy dù 502 bị thả xuống sai vị trí. Phần lớn Trung đoàn 502 được thả xuống một cách hỗn loạn, thiếu tổ chức xung quanh các vùng ngẫu hứng được đánh dấu bởi trinh sát dù. Hai tiểu đoàn trưởng phụ trách các đơn vị hỗn tạp đã hoàn thành các mục tiêu của họ trong Ngày D.

Ba đội bay chở Trung đoàn Bộ binh Nhảy dù 506 được thả một cách phân tán do bị mây mù che phủ và hỏa lực phòng không của quân Đức. Tuy vậy, 2/3 quân số của Tiểu đoàn 1 được thả một cách chính xác tại DZ C. Tiểu đoàn 2 bị thả quá xa về phía tây, và buộc phải mở đường tới Haudienville, nhưng khi họ đến nơi vào giữa chiều, Haudienville đã được Sư đoàn Bộ binh số 4 đổ bộ ở Utah kiểm soát. Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 1 cũng được thả ở DZ C, bị phân tán hơn, nhưng họ vẫn tiến hành nhiệm vụ kiểm soát các con đường. Một nhóm nhỏ chiếm Pouppeville lúc 06:00 và đã cầm cự suốt sáu giờ trước khi được Sư đoàn Bộ binh số 4 tiếp viện.

Trung đoàn Bộ binh nhảy dù 501 và Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 506, dù gặp phải hỏa lực phòng không đáng kể của quân Đức, nhưng họ được thả khá chính xác và tập trung tại DZ D. Một phần của DZ bị chiếm bởi quân Đức và các đợt giao tranh dữ dội nổ ra giữa quân Đức dưới mặt đất và các lính dù lơ lửng trên trời. Trung đoàn 501 và Tiểu đoàn 3 chịu thương vong nặng, bao gồm hai Tiểu đoàn trưởng tử trận (Trung tá Robert C. Caroll, Chỉ huy Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 501 và Trung tá Robert L. Wolverton, Chỉ huy Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 506). Dù chịu thương vong nặng, một nhóm lính dù nhỏ đã chiếm thành công các cây cầu gần la Porte lúc 04:30. Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 501, gần như không chịu bất kì thương vong nào sau cuộc thả quân ở DZ D, nhưng họ vẫn thất bại trong việc chiếm Saint-Côme-du-Mont và phá hủy các cây cầu ở Sông Douve.

Đợt đổ bộ của đơn vị pháo binh của sư đoàn 101 được coi là tệ nhất trong toàn bộ chiến dịch nhảy dù, khi chỉ có duy nhất một khẩu pháo được thu hồi và hơn 90% quân số đơn vị bị tử trận hoặc bị thương.

Đợt thứ hai: Nhiệm vụ Boston

Bài chi tiết: Nhiệm vụ Boston
Sơ đồ vị trí thả quân của Sư đoàn Không vận 82 trong Ngày D, 6 tháng 6 năm 1944

Nhiệm vụ Boston bắt đầu lúc 01:51. Một đợt xuất kích bao gồm 10 đội bay lớn được chia thành ba đợt, với tổng cộng 6.420 lính dù trên 369 máy bay C-47. Các đơn vị vận tải chuyên chở Trung đoàn 505 không gặp nhiều khó khăn như Sư đoàn 101. Các nhóm trinh sát dù tại DZ O đã bật tín hiệu từ máy Eureka khi các tốp máy bay đầu tiên xuất hiện và đèn hiệu đều được đánh dấu thành công tại khu vực đáp của cả ba tiểu đoàn. Trung đoàn 505 là đơn vị có tỉ lệ thả quân chính xác nhất trong Ngày D, với 75% quân số được thả trong phạm vi 2 dặm (3,2 km) và hơn 1/2 quân số được thả trong phạm vi 1 dặm (1,6 km).

Các trung đoàn còn lại đều bị thả quân một cách phân tán. Trung đoàn 508 có tỉ lệ quân bị phân tán cao nhất trong toàn bộ các trung đoàn nhảy dù Mỹ, chỉ 25% quân số của trung đoàn được thả trong bán kính 1 dặm (1,6 km) của DZ. Hơn 1/2 quân số của Trung đoàn 508 được thả ở phía đông Merderet, một khu vực không có mục tiêu quan trọng trong Ngày D.[12] Trinh sát dù của Trung đoàn 507 được thả tại DZ T, nhưng vì có sự hiện diện của lính Đức trong khu vực, họ không thể bật đèn nháy. Gần 1/2 trung đoàn được thả vào các khu vực đầm trũng và khu vực bị làm ngập nước, khiến nhiều lính dù bị chết đuối.[13][14]Việc thả quân chính xác đã khiến Trung đoàn 505 hoàn thành được hai nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra trong thời gian cho phép. Với sự giúp đỡ của một người Pháp, Tiểu đoàn 3 chiếm được Sainte-Mère-Église lúc 04:30 mặc dù bị hỏa lực pháo binh Đức bắn dữ dội.[15] Một trung đội của Tiểu đoàn 2 thiết lập thành công tuyến phòng thủ ở các con đường tiến vào Sainte-Mère-Église từ phía bắc và các đơn vị còn lại đã tiếp viện Tiểu đoàn 3 khi quân Đức tổ chức phản công vào đầu buổi trưa. Tiểu đoàn 1 không hoàn thành được nhiệm vụ đề ra, bao gồm chiếm các cây cầu bắc qua Sông Merderet ở la Fière và Chef-du-Pont.

Không có mục tiêu nào trong số các mục tiêu của Sư đoàn 82 là đánh chiếm các khu vực phía tây Merderet và phá hủy các cây cầu trên Sông Douve được hoàn thành vào Ngày D. Tuy nhiên, một tiểu đoàn của Trung đoàn 508 đã chiếm giữ được một ngọn đồi nhỏ ở gần Merderet, làm gián đoạn các cuộc phản công của quân Đức vào Chef-du-Pont trong ba ngày. Hai đại đội của Trung đoàn 507 đã cầm cự trước các đợt tấn công của quân Đức tại Amfreville tới khi được phá vây vào ngày 9 tháng 6.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_đổ_bộ_của_lính_dù_Mỹ_ở_Normandie http://www.6juin1944.com/assaut/aeropus/en_9tcc.ph... http://www.history.army.mil/BOOKS/WWII/100-13/st-l... http://www.history.army.mil/BOOKS/WWII/100-13/st-l... http://www.history.army.mil/BOOKS/WWII/utah/utah.h... http://www.history.army.mil/BOOKS/WWII/utah/utahb.... http://www.history.army.mil/books/wwii/7-4/7-4_8.h... http://www.history.army.mil/books/wwii/7-4/7-4_Con... http://amcmuseum.org/history/troop-carrier-d-day-f... http://www.americandday.org http://www.b-26marauderarchive.org/MS/MS1741/MS174...